Siêu bão Yagi tàn phá: Doanh nghiệp bảo hiểm trích lập tiền dự phòng bồi thường ra sao?

10/09/2024 23:12

Bão Yagi đã tan cách đây 2 ngày nhưng trận cuồng phong này vẫn tiếp tục gây ra những hậu quả nặng nề cho các tỉnh miền Bắc với mưa lớn liên liên tục, lũ, sạt lở đất…Đi kèm với đó là thiệt hại lớn về người và tài sản. Mới đây nhất là cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập khiến nhiều người và phương tiện mất tích.

Liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân, theo kế hoạch hằng năm, các công ty bảo hiểm trích lập tiền dự phòng như thế nào để giải quyết những tình huống bất ngờ xảy đến?

Hiện các địa phương, cũng như các ngành chức năng ở Trung ương chưa thống kê hết thiệt hại do bão Yagi gây ra bởi mưa lũ, lở đất…vẫn đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, về sơ bộ đã có hằng trăm người chết, mất tích và bị thương. Cùng với đó là hàng ngàn phương tiện ô tô, xe máy, tàu, thuyền các loại bị hư hại do nước cuốn, cây đổ, nhà đổ, sóng đánh chìm…

Trong hoàn cảnh nhiều người dân mất phương tiện di chuyển, mưu sinh. Nhiều chủ tàu, thuyền, xe vận tải…bỗng chốc trắng tay thì vấn đề bảo hiểm được đặt lên hàng đầu.

Tổng công ty CP Bảo hiểm Petrolimex (PJICO) có trích lập nguồn dự phòng dao động lớn là 407,7 tỷ đồng. Trong đó, con số đầu năm là 390,9 tỷ đồng, số trích lập thêm trong năm là 16,8 tỷ đồng. Tìm hiểu cho thấy, từ đầu năm đến nay, nguồn dự phòng dao động lớn này của PJICO chưa được sử dụng.

Siêu bão Yagi tàn phá: Doanh nghiệp bảo hiểm trích lập tiền dự phòng bồi thường ra sao?
Quảng Ninh là địa phương có thiệt hại nặng nề nhất do bão Yagi gây ra. Ảnh Phương Thảo (Vneconomy.vn)

Tìm hiểu tại Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam thì nguồn dự phòng dao động lớn của DN tính đến ngày 30/6/2024 là trên 250 tỷ đồng. Được biết số tiền này vào thời điểm ngày 31/12/2023 là 228 tỷ đồng. Trên 21 tỷ đồng là số tiền được trích lập thêm.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ năm 2024 của Tổng công ty CP Bảo Minh thì hãng bảo hiểm này có nguồn dự phòng dao động lớn là 221,8 tỷ đồng, trong đó có 25,9 tỷ đồng là số trích lập thêm trong năm.

Tại hãng bảo hiểm lớn khác là Bảo Việt, ngày 29/8 vừa qua, DN này công bố báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ năm 2024. Theo đó, Bảo Việt có 162,1 tỷ đồng nguồn tiền dự phòng dao động lớn.

Tìm hiểu sâu hơn tại PJICO - một DN có bề dày trong lĩnh vực bảo hiểm phương tiện cơ giới, số liệu kinhtechungkhoan.vn nắm được thì từ ngày 1/1 đến ngày 30/6/2024, Công ty có doanh thu từ bảo hiểm xe cơ giới là trên 806 tỷ đồng. Ngoài ra, số tiền thu được từ bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu, bảo hiểm hàng không và bảo hiểm hàng hóa vận chuyển lần lượt là các con số 149 tỷ đồng, 38 tỷ đồng và 204 tỷ đồng. Đáng chú ý, doanh thu từ bảo hiểm về sức khỏe và tai nạn cũng rất đáng kể, với số tiền lên đến trên 341 tỷ đồng.

Ở chiều bồi thường, tổng số tiền PJICO đã thanh toán cho các hợp đồng bảo hiểm xe cơ giới là 415,2 tỷ đồng. Tiếp đó, bảo hiểm thân tàu và trách nhiệm dân sự chủ tàu; bảo hiểm hàng hóa vận chuyển lần lượt được bồi thường là 46,5 tỷ đồng và 10,2 tỷ đồng. Riêng lĩnh vực bảo hiểm hàng không, PJICO bị âm 5,5 tỷ đồng so với khoản thu là 38 tỷ đồng. Các hợp đồng về sức khỏe và tai nạn nhận được khoản bồi thường 166 tỷ đồng.

Siêu bão Yagi tàn phá: Doanh nghiệp bảo hiểm trích lập tiền dự phòng bồi thường ra sao?
PJICO có doanh thu tốt từ các lĩnh vực bảo hiểm

Tính đến hết quý 2/2024, PJICO có doanh thu từ phí bảo hiểm lên đến 1.109 tỷ đồng, tăng 10% so với quý 2/2023. Lũy kế doanh thu của quý 1 và 2/2024 đạt 2.229 tỷ đồng. Trong 1.109 tỷ đồng doanh thu có trên 1.121 tỷ đồng là tiền từ phí bảo hiểm gốc. 81,9 tỷ đồng còn lại là phí nhận tái bảo hiểm. Được biết, Công ty có tổng chi bồi thường ở mức 401 tỷ đồng.

Trong bối cảnh nền kinh tế nói chung còn gặp nhiều khó khăn, nhưng các chỉ số cho thấy hoạt động của PJICO vẫn rất hiệu quả. Sau khi trừ đi các chi phí, doanh thu thuần của DN này đạt ngưỡng trên 900 tỷ đồng, tăng 14% so với thời điểm 30/6/2023.

6 tháng đầu năm, PJICO báo lãi sau thuế 157,2 tỷ đồng, tăng nhẹ 3% so với cùng thời điểm năm 2023.

Được biết, tổng nguồn vốn của PJICO khi kết thúc quý 2/2024 là trên 7.568 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn phải trả là 5.675 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu ở mức 1.832 tỷ đồng.

Ngày 9/9/2024, Cục Quản lý, Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) có văn bản gửi Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và các doanh nghiệp bảo hiểm liên quan đến việc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân khắc phục thiệt hại do bão Yagi gây ra.

Theo đó, cơ quan này yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức cá nhân có liên quan để xác định thiệt hại về người và tài sản của các tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm. Nội dung công văn ghi rõ: "Thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường, bồi thường và trả tiền bồi thường bảo hiểm nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ cho bên mua bảo hiểm, người thụ hưởng theo thỏa thuận và hợp đồng bảo hiểm”.

Cục Quản lý, giám sát Bảo hiểm cũng yêu cầu Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam phối hợp với doanh nghiệp bảo hiểm tổ chức thực hiện hỗ trợ nhân đạo theo quy chế nội bộ và pháp luật có liên quan. Báo cáo phải gửi về cơ quan này trước ngày 12/9.

Bảo hiểm BIDV (BIC) dự chi gần 176 tỷ đồng trả cổ tức, “hầu bao” vẫn còn hàng chục tỷ chưa phân phối

Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (Bảo hiểm BIDV - HOSE: BIC) vừa công bố ngày đăng ...

Siêu bão Yagi đi qua, cổ phiếu nhóm doanh nghiệp nhôm kính, tôn mạ và ống thép đắt hàng

Phiên giao dịch sáng đầu tuần, giữa lúc thị trường chứng khoán giao dịch ảm đạm, nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp sản xuất, kinh ...

Doanh nghiệp bảo hiểm gấp rút bồi thường thiệt hại bão số 3 trước ngày 12/9

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm báo cáo và hoàn tất bồi thường thiệt ...

Bạn đang đọc bài viết "Siêu bão Yagi tàn phá: Doanh nghiệp bảo hiểm trích lập tiền dự phòng bồi thường ra sao?" tại chuyên mục BẤT ĐỘNG SẢN. Mọi chi tiết liên quan, vui lòng gửi thông tin qua email [email protected]