Chiến lược tất yếu
Chuyển đổi kép là khái niệm mô tả quá trình kết hợp hai xu hướng lớn: Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh, nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững (17 SDGs) cho doanh nghiệp, quốc gia và xã hội toàn cầu.
Trong bối cảnh công nghệ và môi trường là hai yếu tố có sức ảnh hưởng mạnh mẽ, sự kết hợp này được coi là chiến lược tất yếu để đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường hiện đại, đồng thời đảm bảo tính bền vững về lâu dài.
Tại “Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2024”, diễn ra vào tháng 5 vừa qua, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Hai cuộc chuyển đổi này sẽ thay đổi căn bản cuộc sống của tất cả chúng ta. Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là hai thực thể song sinh, chúng song hành và hỗ trợ lẫn nhau. Nếu chúng ta muốn phát triển nhanh chóng, bạn phải thực hiện chuyển đổi số và nếu chúng ta muốn phát triển bền vững, chúng ta cũng phải thực hiện chuyển đổi xanh. Vì vậy, hai cuộc chuyển đổi này sẽ đảm bảo sự phát triển nhanh chóng và bền vững cho đất nước”.
Để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình này, Chính phủ đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách, nhằm thúc đẩy sự chuyển dịch theo hướng số hóa và xanh hóa. Đặc biệt, có những chính sách mới đang được triển khai để khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi kép.
Các định hướng về chuyển đổi kép đã được thể hiện rõ ràng trong các nghị quyết như Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 55-NQ/TW về Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,...
“Chuyển đổi xanh và chuyển đổi số là xu hướng tất yếu và phải làm đồng thời, chứ không còn là sự lựa chọn nữa, đặc biệt là với các nhóm các doanh nghiệp tiếp cận thị trường xuất khẩu”, bà Bùi Thu Thủy, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh.
Hiện tại, các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt trong các lĩnh vực như dệt may, da giày, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tuân theo các tiêu chuẩn bền vững mà thị trường quốc tế, như châu Âu và Mỹ, yêu cầu. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi nguyên vật liệu, quy trình sản xuất và quản lý kho bãi, và chuyển đổi số là công cụ giúp họ đạt được những yêu cầu này.
Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp nhỏ và khởi nghiệp, thậm chí ở những vùng sâu, vùng xa, đã bắt đầu áp dụng các chiến lược bền vững ngay từ đầu. Điều này cho thấy xu hướng gia tăng của các doanh nghiệp trẻ hướng tới phát triển bền vững.
“Những doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Tuy nhiên, nếu thành công, họ sẽ tạo ra ảnh hưởng lớn, lan tỏa giá trị bền vững trong cộng đồng doanh nghiệp”, bà Thuỷ cho biết.
Nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới
Chuyển đổi kép đã là hoạt động tất yếu mà các doanh nghiệp cần nắm bắt để tận dụng các cơ hội kinh doanh mới.
Chia sẻ về phát triển những công nghệ tái chế mới, góp phần xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững tại Việt Nam, ông Văng Viên Thông, CEO & Founder, thương hiệu thời trang từ vật liệu tái chế REPEET cho biết: “Là doanh nghiệp tiên phong trong việc tái chế rác thải nhựa tại Việt Nam thành các sản phẩm may mặc bền vững, thay vì sử dụng polyester có nguồn gốc từ dầu mỏ, REPEET sản xuất các sản phẩm thời trang bền vững từ sợi polyester tái chế có nguồn gốc tại Việt Nam. Thương hiệu đã xây dựng thành công chuỗi cung ứng từ khâu thu gom, phân loại, tái chế, sản xuất xơ, sợi, dệt vải đến các sản phẩm thời trang, góp phần giảm thiểu 57% phát thải carbon, và tiết kiệm 70% lượng nước tiêu thụ".
“Bằng cách sử dụng 10 tấn vải REPEET, chúng ta đã góp phần tái chế gần 1,45 triệu chai nhựa PET, giảm lượng khí thải carbon ra môi trường tương đương một chiếc ô tô chạy 57.000 km, đồng thời tiết kiệm 70.000 lít nước,” ông Thông nhấn mạnh.
Không chỉ cung cấp sản phẩm chất lượng cao, REPEET đang không ngừng đầu tư xây dựng một mô hình kinh doanh bền vững không chỉ cho REPEET mà cả với các đối tác, nhãn hàng thời trang, và xu hướng tiêu dùng bền vững.
Bằng các sáng kiến tiên phong trong hành trình chuyển đổi kép, REPEET đang không chỉ chinh phục thị trường nội địa mà còn mở rộng đến các thị trường khó tính như Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu, nơi mà chất lượng sản phẩm và tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường được đặt lên hàng đầu.
Hội thảo quy tụ hàng trăm đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành, tổ chức và hiệp hội quốc tế, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đang hành động hướng tới chuyển đổi số và chuyển đổi xanh tại Việt Nam.
Hội thảo mở ra cơ hội trao đổi trực tiếp giữa các cơ quan quản lý, các chuyên gia và cộng đồng doanh nghiệp về lợi ích đạt được khi chuyển đổi kép.
Đây cũng là dịp để các doanh nghiệp tiên phong chia sẻ những câu chuyện và kinh nghiệm thực tế trong quá trình thực thi các sáng kiến xanh, bền vững, từ đó góp phần giúp Việt Nam đạt được mục tiêu chuyển đổi kép vì sự phát triển bền vững.