Động lực không thể thiếu cho nhiều ngành công nghiệp
Tính tới hết tháng 5, thị trường đường thế giới chứng kiến những sự thay đổi khó lường, đặc biệt là việc giá đường thế giới vượt đỉnh 10 năm. Tình hình nguồn cung đường thế giới thiếu hụt đang đặt ra mối lo ngại khủng hoảng nguyên liệu tại Việt Nam do đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguyên nhân khiến nguồn cung đường toàn cầu hạn chế ở mức thấp báo động là do sản lượng đường giảm ở các cường quốc sản xuất. Tác động bởi điều kiện thời tiết không thuận lợi, mất kiểm soát bệnh hại ở cây mía và thu hẹp vùng nguyên liệu đã khiến nhu cầu nhập khẩu bổ sung đường nguyên liệu tăng cao. Kèm theo đó nhu cầu tiêu thụ đường tỉ lệ thuận với dân số thế giới ngày càng gia tăng cũng tạo ra sự cạnh tranh nguyên liệu gay gắt trên thị trường toàn cầu.
Thiếu hụt đường công nghiệp cho sản xuất cũng xuất phát từ thực tế, số lượng các nhà sản xuất đường đáp ứng đầy đủ yêu cầu khắt khe cho lĩnh vực chế biến công nghiệp tại Việt Nam không nhiều. Ví dụ như dòng sản phẩm nước giải khát cao cấp yêu cầu đường đặc biệt, một loại đường chất lượng cao tinh khiết và không có kết tủa... Biến động giá nhiên liệu cũng làm tăng chi phí sản xuất từ canh tác, vận chuyển đến chế biến. Điều này làm giảm lợi nhuận và ảnh hưởng đến khả năng sản xuất của các doanh nghiệp sản xuất đường nhỏ lẻ, không tự chủ về nguyên liệu và sức khỏe tài chính.
Nỗi lo thiếu hụt đường công nghiệp cho sản xuất lan rộng đến các nước trên thế giới trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngành mía đường Việt Nam
Hệ quả tất yếu của thiếu hụt đường công nghiệp cho sản xuất ảnh hưởng đến Việt Nam, một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu đường để đáp ứng mức tiêu thụ đường khá cao của dân số trẻ trong nước.
Thiếu hụt đường làm tăng giá thành sản phẩm đường, gây mất lợi ích cho người tiêu dùng và các ngành công nghiệp sử dụng nguyên liệu này. Sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng đường do hạn chế xuất khẩu và giới hạn nguồn cung cũng đã gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và ngành công nghiệp phụ thuộc vào đường công nghiệp. Ngoài ra, sự thiếu hụt đường còn làm suy giảm sức cạnh tranh và khả năng cung ứng của các ngành công nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Điều này có thể dẫn đến mất đi các cơ hội xuất khẩu và giảm đòn bẩy kinh tế của quốc gia.
Các Công ty đa quốc gia như Nestle, Pepsi, Coca Cola, Unilever… đều có nhu cầu lớn về nguồn đường tinh luyện để làm nguyên liệu đầu vào đáp ứng sản xuất công nghiệp cho ra các sản phẩm chất lượng cao
Tóm lại, tình trạng thiếu hụt đường công nghiệp cho sản xuất đang tạo ra những thách thức đáng kể cho Việt Nam và nhiều quốc gia khác trên thế giới. Điều này đòi hỏi sự hợp tác và nỗ lực của các nhà chức trách, doanh nghiệp và người tiêu dùng để tìm ra các giải pháp sáng tạo nhằm đảm bảo nguồn cung đường ổn định và đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước một cách hiệu quả, bền vững.
Liệu có lời giải nào cho bài toán “thiếu hụt đường” hiện nay?
Để giải quyết vấn đề thiếu hụt đường công nghiệp cho sản xuất, cần áp dụng các giải pháp toàn diện và linh hoạt. Bằng cách tăng cường sản xuất trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, nhập khẩu đường thô và gia công tại các nhà máy có công đoạn luyện đường. Hiện trong nước có những nhà máy tinh luyện đường có thể sử dụng các nguyên liệu đầu vào như đường thô để tinh luyện thành đường đáp ứng sản xuất công nghiệp. Việt Nam có thể tận dụng nguồn cung đường từ các quốc gia khác để giảm bớt áp lực sản lượng đường sản xuất trong nước, giúp các các nhà máy có thêm nguồn đường luyện ngoài vụ, góp phần đảm bảo hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động.
Tuy nhiên, việc nhập khẩu đường thô để tinh luyện cần sự hỗ trợ từ Chính phủ để đảm bảo rằng đường nhập khẩu và gia công đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn, từ đó tạo động lực cho lĩnh vực sản xuất trong nước để trợ lực cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Huy Hoàng
Link nội dung: https://diendanthuongmai.net/tim-kiem-giai-phap-ben-vung-cho-nganh-duong-mia-cong-nghiep-a97286.html