Dấu ấn của doanh nhân Phan Minh Thông trong hành trình phát triển cà phê bền vững tại Sơn La

(Chinhphu.vn) - Dành sự quan tâm cho cây cà phê Arabica của Sơn La và trăn trở để làm thế nào giới thiệu, quảng bá vị ngon đặc biệt của loại cà phê này tới thị trường thế giới đã giúp doanh nhân Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group định vị được hướng đi đúng đắn cho phát triển cà phê bền vững tại đây.

Dấu ấn của doanh nhân Phan Minh Thông trong hành trình phát triển cà phê bền vững tại Sơn La- Ảnh 1.

Phát triển cà phê bền vững giúp nâng cao thu nhập cho người nông dân và góp phần đưa cà phê Việt tiến xa hơn vào thị trường toàn cầu - Ảnh: VGP/MT


Cà phê Arabica được trồng tại Sơn La có vị ngon đặc biệt nhờ những lợi thế về thổ nhưỡng, khí hậu của vùng đất này. Chính vì vậy, hướng đến phát triển bền vững cho vùng nguyên liệu không chỉ là trách nhiệm của địa phương mà rất cần sự chung tay, đồng hành của các doanh nghiệp để nâng cao thu nhập cho người nông dân và góp phần đưa cà phê Việt tiến xa hơn vào thị trường toàn cầu.

Đã có 2 vùng cà phê được công nhận là vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, 1 chỉ dẫn địa lý cà phê Sơn La. Sản phẩm cà phê Sơn La cũng đã được xuất khẩu sang thị trường 20 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), Bắc Mỹ, Trung Đông và các nước ASEAN với giá tiêu thụ ổn định ở mức cao.

Là một người mê nông nghiệp và có một tình yêu mãnh liệt với cà phê, nên lần đầu tiên khi đặt chân tới Sơn La, doanh nhân Phan Minh Thông cho biết đã choáng ngợp bởi những đồi cà phê arabica xanh mướt. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu, ông Phan Minh Thông nhận thấy, sản xuất cà phê ở Sơn La còn một số tồn tại như: Sản lượng cà phê còn bị ảnh hưởng nắng hạn, sương muối, mưa đá; chuỗi giá trị sản phẩm cà phê chưa chặt chẽ, thiếu bền vững; nhiều cơ sở chế biến cà phê quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu ảnh hưởng tới môi trường và chất lượng cà phê; khâu thu hái của người dân nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật…

Trăn trở với suy nghĩ, làm thế nào để góp phần nâng cao thu nhập của người trồng, chế biến cà phê, tạo thêm việc làm, góp phần cơ cấu lại sản xuất theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị cà phê tại Sơn La đã nối duyên để ông Thông quyết định có mặt tại Sơn La với hành trình nâng cao giá trị và sức cạnh tranh cho cà phê arabica Sơn La trên thị trường thế giới.

Và sự có mặt của Phúc Sinh với hành trình ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp)trong sản xuất đã góp phần thay đổi tư duy về canh tác và chế biến cây cà phê theo hướng bền vững từ người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có thể đưa Sơn La trở thành một trung tâm sản xuất cà phê chất lượng cao đáp ứng được các tiêu chuẩn ngày càng khó của thế giới.

Dấu ấn của doanh nhân Phan Minh Thông trong hành trình phát triển cà phê bền vững tại Sơn La- Ảnh 2.

Phúc Sinh với hành trình ESG trong sản xuất đã góp phần thay đổi tư duy về canh tác và chế biến cây cà phê theo hướng bền vững từ người nông dân và các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh - Ảnh: VGP/MT

Giúp người nông dân tiếp cận và thực hiện canh tác cà phê bền vững

Câu chuyện cách đây 7 năm của doanh nhân Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group đã bắt đầu đến với Sơn La bằng tình yêu và mong muốn đưa cà phê Việt đến với thị trường thế giới đã thay đổi tư duy về canh tác cà phê của bà con nông dân nơi đây.

Cùng với Sơn La và nhiều vùng nguyên liệu của mình trên cả nước, Phúc Sinh đã thúc đẩy chuyển đổi ngành công nghiệp cà phê của Việt Nam hướng tới các chuỗi cung ứng có thể truy xuất nguồn gốc, không tàn phá rừng.

Công ty cũng đã tập trung vào việc áp dụng thực hành nông nghiệp có trách nhiệm, đặt mục tiêu thiết lập một tiêu chuẩn cho ngành, góp phần bảo vệ hệ sinh thái và thúc đẩy kinh tế bền vững và hơn thế nữa Phúc Sinh đã đồng hành cùng bà con nông dân-những người trực tiếp tham gia vào quá trình trồng trọt, chăm sóc cây cà phê để hướng dẫn người nông dân sản xuất canh tác theo hướng bền vững. Hiện tại, ở Sơn La, công ty đang có hợp tác với hơn 2.000 nông hộ nông dân trên 4.500 mảnh đất để phổ biến kỹ thuật cho từng nhóm hộ nông dân.

Ông Hà Văn Doan, nông dân bản Củ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La chia sẻ, trước đây người dân chỉ trồng lúa nương, cây lương thực khác nên đời sống khó khăn vì năm được mùa, năm mất mùa và cả việc có năm những loại cây trồng mất giá.

Tuy nhiên từ năm 2018, Phúc Sinh mà người đầu tiên là anh Phan Minh Thông đã đến Sơn La giải thích, hướng dẫn cách canh tác mới cho bà con và đặc biệt nhất là Phúc Sinh cũng đã đảm bảo bao tiêu sản phẩm để xuất khẩu nên bà con rất yên tâm. Không chỉ năng suất cao hơn mà thu nhập của bà con cao hơn hẳn cách làm truyền thống lâu nay. Từ thực tế đó bà con đã nhận thấy lợi ích thiết thực từ cách trồng, thu hoạch cà phê theo hướng bền vững và bắt đầu thay đổi tư duy canh tác.

Anh Vũ Ngọc Huy, Trưởng phòng Quản lý chất lượng và vùng nguyên liệu-Công ty Phúc Sinh Sơn La cho biết, Phúc Sinh Sơn La đã có những dự án về kỹ thuật cây trồng, về giữ chất đất để đảm bảo cho chất lượng của cà phê tại đây. Phúc Sinh không chỉ cung cấp kỹ thuật, phương pháp mới trong canh tác qua các hướng dẫn như dùng phân bón hữu cơ, cách tưới tiêu tiết kiệm nước, cách thu hoạch để đem đến những lô cà phê có chất lượng cao…mà lâu dài hơn là đã thay đổi ý thức canh tác cà phê bền vững tới từng bản, từng hộ bà con dân tộc.

Không chỉ tập trung cho quá trình canh tác cà phê bền vững mà "đau đáu" với việc làm thế nào để nâng cao giá trị cho cây cà phê, doanh nhân Phan Minh Thông đã mạnh dạn tìm một hướng đi mới nữa đó là Phúc Sinh đầu tư dây chuyền chế biến trà Cascara tại tỉnh Sơn La hồi tháng 10/2023. Đây là dây chuyền đầu tiên tại Việt Nam sản xuất và chế biến trà Cascara trên quy mô lớn phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Như vậy, không chỉ có nguồn thu từ hạt mà bà con đã tăng thu nhập, tăng giá trị cho cây cà phê từ việc cung cấp vỏ cà phê chín để làm trà Cascara.

Dấu ấn của doanh nhân Phan Minh Thông trong hành trình phát triển cà phê bền vững tại Sơn La- Ảnh 3.

Lễ đón nhận khoản đầu tư 25 triệu USD từ Quỹ đầu tư &GREEN (Hà Lan) cho Phúc Sinh để tập trung vào mục tiêu phát triển xanh cho các vùng nguyên liệu theo hướng bảo vệ môi trường, trong đó có Sơn La - Ảnh: VGP/MT

"Trái ngọt" từ nguồn vốn FDI cho phát triển ESG của Phúc Sinh

Chia sẻ về hành trình đến với ESG, doanh nhân Phan Minh Thông cho biết, 14 năm trước, khách hàng lớn của Phúc Sinh ở châu Âu đã nói rằng họ muốn Phúc Sinh phải thực hành ESG. Có thể nói cách đây 16 năm, khái niệm về ESG quá mới mẻ, nhưng trước yêu cầu của thị trường, Phúc Sinh đẫ bắt tay vào làm ESG với số vốn ban đầu là 5 tỷ, tương đương 250.000 USD.

"Có thể nói, ở thời đó, chi một khoản tiền 1/4 triệu USD với một doanh nghiệp nhỏ như Phúc Sinh thì quả lại một quyết định "chịu chi và táo bạo". Tuy nhiên, trước yêu cầu của thị trường xuất khẩu và để đưa cà phê ra nhiều thị trường "khó tính" hơn nữa thì yêu cầu bắt buộc là phải làm", ông Phan Minh Thông chia sẻ.

Từ những nỗ lực của Phúc Sinh và qua kết quả đạt được của doanh nghiệp trong hành trình thực hiện ESG nhất là ở vùng nguyên liệu Sơn La, từ đầu năm 2024 đến nay, tin vui là Phúc Sinh đã nhận được 2 nguồn vốn FDI cho hoạt động ESG.

Tháng 8/2024, Phúc Sinh công bố thông tin về việc nhận đầu tư từ Quỹ đầu tư & GREEN (Hà Lan). Theo đó, khoản đầu tư 25 triệu USD sẽ tập trung vào mục tiêu hướng đến phát triển kinh tế xanh, bảo vệ môi trường và ứng phó biến đổi khí hậu, hỗ trợ nền nông nghiệp bền vững, phát triển theo tiêu chuẩn ESG tại các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của Phúc Sinh. Đây cũng là khoản đầu tư đầu tiên của Quỹ đầu tư & GREEN vào một doanh nghiệp Việt Nam.

Tiếp đến mới đây, ngày 4/10/2024, Phúc Sinh Group chính thức nhận tài trợ không hoàn lại số tiền 575.000 euro từ Quỹ Khí hậu và Phát triển Hà Lan (DFCD) nhằm hỗ trợ các sáng kiến phát triển bền vững và ESG của công ty. Đây cũng là khoản tài trợ lớn nhất với tỉ lệ cao nhất từ trước đến nay mà tổ chức này dành cho một công ty tại Việt Nam.

Khoản tài trợ này sẽ giúp Phúc Sinh tiếp tục mở rộng các dự án phát triển bền vững, bao gồm các hoạt động chống phá rừng (non deforestation) và những sáng kiến rộng hơn liên quan đến ESG, đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt ở các nước tiên tiến và khó tính như châu Âu. Đặc biệt, với khoản tài trợ từ DFCD sẽ giúp Phúc Sinh đẩy mạnh các sáng kiến về ESG và hướng tới mục tiêu trở thành công ty hàng đầu về cà phê phát triển bền vững.

Qua đó, cũng cho thấy, các doanh nghiệp nào lấy phát triển bền vững làm cốt lõi trong hoạt động kinh doanh sẽ có nhiều khả năng thu hút được nguồn tài trợ không chỉ từ các quỹ thương mại mà còn từ các tổ chức phi chính phủ, đặc biệt trong thời điểm ESG đang trở thành xu hướng trọng tâm.

Minh Thi

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Phúc Sinh nhận 25 triệu USD từ quỹ Hà Lan cho phát triển bền vữngPhúc Sinh nhận 25 triệu USD từ quỹ Hà Lan cho phát triển bền vững
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Phúc Sinh khai trương nhà máy đầu tiên chế biến trà Cascara làm từ quả cà phêPhúc Sinh khai trương nhà máy đầu tiên chế biến trà Cascara làm từ quả cà phê




Link nội dung: https://diendanthuongmai.net/dau-an-cua-doanh-nhan-phan-minh-thong-trong-hanh-trinh-phat-trien-ca-phe-ben-vung-tai-son-la-a154574.html