“Có những môi giới nghỉ việc ở công ty, 7 ngày sau đi làm phó tổng giám đốc doanh nghiệp riêng"

Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Minh Quang, Giám đốc kinh doanh – Tiếp thị Nam Long Group trong toạ đàm “Vai trò nhà môi giới BĐS trong xu thế mới” diễn ra mới đây.

“Có những môi giới nghỉ việc ở công ty, 7 ngày sau đi làm phó tổng giám đốc doanh nghiệp riêng"

Theo ông Quang, môi giới BĐS Việt Nam đã có những bước tiến rõ nét trong những năm qua. Trước đây, khi nói đến hệ thống môi giới, người ta thường nhắc đến các thương hiệu nước ngoài. Tuy nhiên, 5 năm trở về đây, tất cả các dự án BĐS, kể cả các dự án cao cấp, hạng sang giá chục ngàn đô mỗi m2 đến các BĐS vùng sâu xa thì hệ thống môi giới Việt chiếm đến 99%. Điều này cho thấy, sự lớn mạnh của môi giới BĐS Việt Nam.

Tuy vậy, đi kèm sự phát triển thì còn những vấn đề phát sinh cần được củng cố, nâng cấp trong hệ thống môi giới BĐS. Theo ông Quang, việc hoàn thiện này cũng cần có thời gian, không thể làm ngay một lúc được.

Ông Quang cho rằng, bên cạnh các đơn vị môi giới có thâm niên, có quy chuẩn và bộ máy vận hành chuyên nghiệp, thì hiện nay thị trường BĐS còn nhiều sàn môi giới làm ăn chộp giật. Khoảng 3-5 năm trở lại đây, việc thành lập một công ty môi giới BĐS quá dễ dàng. Chính sự dễ dàng này đã xuất hiện các hệ luỵ cho thị trường BĐS. Thực tế, không phải cá nhân mỗi môi giới làm nên những nhiễu loạn thị trường như người ta vẫn thường nói, mà bản thân người lãnh đạo sàn họ định hướng kinh doanh tổ chức đến đâu, phụ vụ khách hàng như thế nào….

"Vì thế, từ phía cơ quan quản lý nhà nước cũng như Hội môi giới BĐS Việt Nam nên nhanh chóng có quy chuẩn, điều kiện của hoạt động ngành nghề này. Hiện nay, môi giới hành nghề rất đơn giản, gần như không cần có điều kiện gì cả. Chẳng hạn, một môi giới nghỉ việc ở công ty này, 7 ngày sau tự xưng làm Phó Tổng GĐ của một công ty riêng khác. Việc này là không ổn", ông Nguyễn Minh Quang nhấn mạnh.

“Có những môi giới nghỉ việc ở công ty, 7 ngày sau đi làm phó tổng giám đốc doanh nghiệp riêng - Ảnh 1.

Theo vị này, những đơn vị tổ chức khi thành lập ra chất lượng không tốt, mặc dù chỉ là số ít nhưng đang tạo câu chuyện không hay với thị trường BĐS; ảnh hưởng chủ đầu tư dự án. Bởi, một sàn BĐS không chuyên nghiệp họ không ý thức được việc bảo vệ thương hiệu cho chủ đầu tư; trong tương lai chăm sóc khách hàng như thế nào. Có thể họ chỉ chăm chăm giao dịch thu tiền xong, bỏ qua trách nhiệm sau đó…, vì thế, thị trường BĐS rất cần chính sách quy định rõ ràng hoạt động chất lượng của các đơn vị môi giới tổ chức.

Cũng chia sẻ tại toạ đàm, ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho hay, đất đai ở 1 số nơi đang nhảy múa, giá tăng vọt, trong đó có sự góp sức của giới đầu cơ, môi giới không chuyên nghiệp. Thậm chí ngay cả nhà môi giới chuyên nghiệp vẫn cố tình tiếp tay thổi giá khiến thị trường bất động sản giai đoạn vừa qua bị nhiều nhà đầu cơ, môi giới thao túng.

Bà Nguyễn Hương, Tổng Giám đốc Công ty Đại Phúc Land chia sẻ, khi nói về năng lực của môi giới, chúng ta chưa có sự đánh giá chất lượng, lượng môi giới ngày càng tăng cao nhưng chất lượng đang bị bỏ ngõ từ đó gây ra rất nhiều hệ luỵ. Nên có quy chuẩn rõ ràng đối với môi giới cá nhân, tổ chức.

Theo bà Hương, chủ đầu tư đưa sản phẩm ra thị trường cũng chọn lọc rất kỹ đơn vị môi giới vì liên quan đến thương hiệu của chủ đầu tư. Thị trường sơ cấp chủ đầu tư có sự lựa chọn, nên các sàn môi giới bên ngoài họ cũng nổ lực để được chủ đầu tư chọn, nhưng thị trường thứ cấp đáng lo hơn vì chưa có sự quản lý, hay bị nhái thương hiệu.

Cùng quan điểm, ông Trần Minh Hoàng – Phó tổng thư ký Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định, trước đó Nghị định 139 cũng đã quy định, hiện Nghị định 16 chỉ chỉ tăng mức xử phạt. Thậm chí, hiện nay chúng ta cũng không có thống kê đã có bao nhiêu môi giới bị xử phạt, nên tôi không nghĩ Nghị định 16 giải quyết được các vấn đề môi giới hiện nay.

Ngoài ra, hiện nay có nhiều thông tin rao bán bất động sản không đúng thực tế như: rao bán không đúng vị trí, không phải đất dự án mà rao dự án, bán dự án khi chưa đủ điều kiện kinh doanh… nguyên nhân sản phẩm bất động sản là nhu cầu thiết yếu, tự nhiên của cuộc sống, trong khi pháp luật chưa hoàn chỉnh. "Nhà nước cần cấp chứng chỉ, mã số hành nghề, kiểm soát việc đăng tin bất động sản, không phải ai cũng được đăng tin bất động sản lúc này giá, vị trí đều chính xác… từ đó mới minh bạch thị trường", ông Hoàng nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, Nghị định 16 là bước tiến để hoạt động môi giới bất động sản trở nên chuyên nghiệp hơn, chính quy hơn. Nhưng hiện Nghị định 16 cũng chỉ là quy định dưới luật điều chỉnh những điểm nóng. Để giải quyết triệt để hiện tượng cò đất, đầu cơ, thổi giá, làm loạn thị trường… thì phải chờ sửa đổi luật Kinh doanh Bất động sản. Song song, cần có một hệ thống công nghệ thông tin để quản lý chứng chỉ hành nghề môi giới và các vấn đề xử phạt.

Ở góc độ nhà quản lý, ông Nguyễn Mạnh Khởi – Phó Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định, không thể không coi nhà môi giới là một chủ thể tất yếu của thị trường bất động sản, trước đó nhà môi giới rất chăm chỉ học tập, nhà nước cũng quan tâm có nhiều lớp đào tạo nhưng rồi bỏ đi. Hiện nay, theo thống kê hiện có khoảng 300.000 môi giới, nhưng không biết bao nhiêu người có kiến thức, kỹ năng hành nghề; trách nhiệm nhà môi giới với xã hội.

Hạ Vy

Link nội dung: https://diendanthuongmai.net/co-nhung-moi-gioi-nghi-viec-o-cong-ty-7-ngay-sau-di-lam-pho-tong-giam-doc-doanh-nghiep-rieng-a145727.html