Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam ghi dấu ấn tượng trong 6 tháng đầu năm

(Chinhphu.vn) - Từ đầu năm đến nay, doanh thu hợp nhất của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG) đạt trên 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.900 tỷ đồng cao hơn 4,3% so với năm 2023. Mã cổ phiếu GVR của Tập đoàn có thời điểm đạt trên 38.500 đồng/cổ phiếu, tăng 100% so với thời điểm đầu năm và cao nhất kể từ tập đoàn thực hiện niêm yết trên sàn.

Giá cao su tăng giúp doanh thu tăng trên 2.000 tỷ đồng

Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024 của VRG diễn ra chiều 20/7, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Đỗ Hữu Huy nhận định, kết quả 6 tháng đầu năm phản ánh nỗ lực, cố gắng rất lớn của tập đoàn trong việc phát huy nội lực, vượt khó. Kết quả này đồng thời cho thấy sự đoàn kết, thống nhất của Tập đoàn đến các đơn vị, nhất là sự linh hoạt trong công tác chỉ đạo, điều hành của Ban lãnh đạo.

Về thuận lợi khách quan, trên sàn giao dịch thế giới thời điểm cuối tháng 5/2024, giá cao su thiên nhiên cao nhất trong 7 năm qua. Trong nước, giá bán của toàn tập đoàn bình quân 6 tháng đạt trên 39 triệu đồng/tấn, cao hơn 6,8 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm 2023, và cao hơn 4 triệu đồng/tấn so với giá bán kế hoạch đầu năm.

"Như vậy, nếu tính riêng việc tăng giá đã giúp cho tập đoàn tăng khoảng trên 2.000 tỷ đồng doanh thu cho sản lượng kế hoạch năm 2024 trên 520 nghìn tấn", ông Đỗ Hữu Huy cho biết. 

Bên canh đó, sản lượng khai thác 6 tháng đạt trên 115.000 tấn mủ, thu mua trên 18.000 tấn, Doanh thu hợp nhất đạt trên 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất ước đạt 1.900 tỷ đồng cao hơn 4,3% so với năm 2023. 

Năm 2024 cũng là năm đầu tiên tập đoàn ghi dấu ấn với việc được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tín nhiệm, giao chủ đầu tư dự án khu công nghiệp Hiệp Thạnh giai đoạn 1 với quy mô gần 500 ha, đây là 1 trong 5 ngành nghề kinh doanh chính của tập đoàn. Qua đó, thể hiện quyết tâm định hướng tập đoàn trở thành một trong những doanh nghiệp sở hữu quỹ đất lớn nhất trong ngành bất động sản khu công nghiệp tại Việt Nam. 

Ông Lê Thanh Hưng, Tổng Giám đốc VRG cũng cho biết, Tập đoàn là đơn vị tiên phong, nắm bắt kịp thời quy định về quản lý việc nhập khẩu các hành hóa và sản phẩm có liên quan đến gây mất rừng và suy thoái rừng (EUDR) có hiệu lực vào ngày 01/01/2025. Đây là cơ hội để nâng cao giá trị sản phẩm mủ cao su cũng như nâng cao sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường của tập đoàn với các doanh nghiệp khác trong xuất khẩu hàng hóa sang Châu Âu.

Đáng chú ý, giá trị cổ phiếu của Tập đoàn (mã cổ phiếu GVR) niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam có thời điểm đạt trên 38.500 đồng/cổ phiếu, tăng 100% so với thời điểm đầu năm và cao nhất kể từ tập đoàn thực hiện niêm yết trên sàn; giúp cho tập đoàn có vốn hóa trên thị trường đạt trên 6 tỷ USD. Theo ông Đỗ Hữu Huy, điều này cho thấy các nhà đầu tư rất kỳ vọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, tăng trưởng của Tập đoàn. 

"Tôi hy vọng trong thời gian tới, tập đoàn sẽ tiếp tục có những dự án đầu tư hiệu quả, đem lại lợi nhuận cho các cổ đông nói chung và cổ đông nhà nước nói riêng", Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy chia sẻ. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tập đoàn phải đối mặt với một số khó khăn trong 6 tháng đầu năm, như: (i) biến đổi khí hậu, nắng hạn kéo dài ảnh hưởng lớn đến sản lượng mủ thu hoạch. (ii) tình trạng thiếu lao động cạo mủ ở một số khu vực (iii) giá cả, chi phí đầu vào cho sản xuất liên tục tăng… 

Cùng với đó là những vấn đề đặt ra trong quá trình triển khai Đề án cơ cấu lại VRG, Kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 05 năm 2021-2025; những vướng mắc do sự thay đổi quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, quy hoạch sử dụng đất của các địa phương ảnh hưởng trực tiếp đến quy hoạch, kế hoạch sản xuất, đầu tư phát triển, quản lý, sử dụng diện tích đất trồng cao su của Tập đoàn.  

Thí điểm nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng chuyển đổi số trong quản trị doanh nghiệp

Về nhiệm vụ quý 6 tháng cuối năm, Phó Chủ tịch Đỗ Hữu Huy đề nghị VRG cần chủ động, linh hoạt trong xây dựng và thực hiện các nhóm giải pháp điều hành và tập trung vào một số nhiệm vụ chính.

Thứ nhất, cần tập trung triển khai nghiên cứu, đề xuất thí điểm mô hình nông nghiệp công nghệ cao, chuyển đổi số ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là trong quản trị, quản lý doanh nghiệp. 

"Việc rà soát, xử lý những tồn tại, vụ việc cũ tại các công ty thành viên và Tập đoàn nhất là liên quan đến quản lý sử dụng đất, góp vốn, thoái vốn giai đoạn trước đây chưa được dứt điểm dẫn đến hệ lụy pháp lý lớn ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín, hình ảnh của Tập đoàn. Đây là những bài học đắt giá để chúng ta tự rà soát, tự chấn chỉnh và rút kinh nghiệm sâu sắc để khắc phục kịp thời tồn tại yếu kém, đồng thời để xây dựng phát triển Tập đoàn ngày càng lớn mạnh, bền vững hơn, xứng tầm với truyền thống hào hùng 95 năm ngành cao su Việt Nam", ông Huy nhấn mạnh.

Thứ hai, tập trung chỉ đạo, điều hành các công ty thành viên, toàn Tập đoàn phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024; bám sát diễn biến thị trường, quản lý tốt giá cả đầu vào - đầu ra, sản lượng khai thác hàng tháng/tuần có giải pháp, phương án kinh doanh hiệu quả - an toàn, thực hành tiết kiệm trên cơ sở rà soát đến từng khâu, từng công đoạn sản xuất kinh doanh để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tài sản. 

Hết quý III/2024, đánh giá kỹ về thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh 2024, trường hợp giá mủ cao su thuận lợi so với dự kiến kế hoạch đầu năm; báo cáo Ủy ban để xem xét điều chỉnh kế hoạch nhằm phù hợp thực tiễn.

Thứ ba, tập trung công tác rà soát, xử lý theo đúng quy định, đúng thẩm quyền các tồn tại, vướng mắc tại các công ty thành viên và Tập đoàn, tránh để phát sinh các sự việc phức tạp, kéo dài; khẩn trương giao rõ đầu mối thực hiện nhiệm vụ xây dựng quy định/hướng dẫn về công tác tăng/giảm vốn của các công ty con để triển khai theo quy định Nghị định số 10/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Thứ tư, khẩn trương triển khai Chiến lược, kế hoạch 5 năm, Đề án tái cơ cấu và các chỉ đạo của Ủy ban, nhất là các nội dung về phát huy thế mạnh của Tập đoàn trong lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp trên đất cao su chuyển đổi, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Thứ năm, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban, để đẩy nhanh tiến độ công tác sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất kỹ lưỡng, chặt chẽ theo đúng quy định.

Thứ sáu, tiếp tục quan tâm, tăng cường hơn nữa công tác quản lý an toàn, vệ sinh lao động, phòng chống cháy nổ, nhất là tại các Khu công nghiệp; tiếp tục chăm lo, cải thiện điều kiện tiền lương, làm việc, nâng cao chất lượng môi trường sản xuất, sinh hoạt cho người lao động; quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, quản trị hiện đại cho đội ngũ cán bộ Lãnh đạo, quản lý các cấp./.

Minh Ngọc


Link nội dung: https://diendanthuongmai.net/tap-doan-cong-nghiep-cao-su-viet-nam-ghi-dau-an-tuong-trong-6-thang-dau-nam-a137478.html